Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

          Cai Kinh là xã miền núi thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn phía đông giáp xã Hòa Lạc, Hòa Sơn; phía nam giáp xã Tân Thành, Hồ Sơn; phía tây giáp xã Đồng Tân, Yên Vượng, phía bắc giáp xã Yên Sơn.

 

Xã Cai Kinh có địa hình rất phong phú và đa dạng, địa hình không bằng phẳng đồi núi chiếm phần lớn diện tích của xã phía tây là dẫy núi đá vôi thuộc vòng cung Bắc Sơn người dân thường gọi là dẫy núi Cai Kinh, dãy núi đá vôi có sườn vách dốc đứng, độ chênh cao tương đối lớn, nơi đây có nhiều loại gỗ quý như: đinh, nghiến, lát, hoàng đàn…, các mặt hàng dược liệu có giá trị như: mật ong, sa nhân, ba kích, mộc nhĩ và nhiều loại lâm thổ sản khác; ngày nay đã có một số tư nhân thành lập doanh nghiệp, công ty khai thác đá phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài huyện. Phía đông và phía nam là khu vức núi đất, những đồi núi thấp được hình thành chủ yếu do đất sét kết phong hóa, đồi với dạng bát úp có độ cao từ 80 – 650m, xen lẫn những đồi núi là những cánh đồng có độ cao thấp khác nhau, với những thửa ruộng có diện tích nhỏ hẹp, đất đai của Cai Kinh có độ phì thấp, khẳ năng dữ ẩm thấp, tình trạng ruộng đất như vậy nên nhân dân gặp nhiều khó khăn trong canh tác sản xuất nông nghiệp.

 

Để canh tác có hiêu quả, các thế hệ người dân Cai Kinh đã trải qua quá trình cải tao đất khoanh bờ vùng, bờ thửa, dẫn thủy, nhập điền, đảm bảo nước tưới cho ruộng đồng. Đặc biệt từ thời kỳ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, Đảng bộ và nhân dân xã Cai Kinh đã đầu tư nhiều công sức xây dựng hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Với ý trí quyết tâm cao, tinh thần bên bỉ, kiên cường của các thế hệ người dân, ruộng đồng của Cai Kinh trở nên tương đối bằng phẳng và phì nhiêu.

 

 Xã Cai Kinh có tổng diện tích tự nhiên là 24.423 ha; đất rừng 937,47 ha, núi đá vôi là 303,6ha, đất ruộng và đất bãi là 567,06 ha, diện tích còn lại là đất khu dân cư và sông suối ao hồ, đây là tiềm năng để phát triển kinh tế theo hướng nông, lâm nghiệp kết hợp. Đảng bộ và nhân dân đã lựa chọn  một số giống cây có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu như: lúa, ngô, thuốc lá, đỗ tương….. cải tạo các khu đồi trở thành vườn rừng, vườn cây ăn quả trồng các loại cây như: Cây bạch đàn, keo, na, hồng … mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Khí hậu của Cai Kinh cũng như nhiều nơi khác trong vùng chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm từ 170c- 220c, nhiệt độ cao nhất là các tháng 6,7,8 trung bình là trên 330c, nhiệt độ thấp nhất vào tháng 11, 12 và tháng 1, 2 năm sau, nhiệt độ có thể xuống đến 4 - 50c. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.200mm – 1.600 mm, phân bố không đều trong năm; thường tập trung từ tháng 5- 8, chiếm đến 75% tổng lượng mưa cả năm. Xã Cai Kinh có dòng sông Thương chay qua địa bàn của xã cung cấp nguồn nước chủ yếu cho sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân, nguồn nước của xã Cai Kinh phụ thuộc chính vào sông Thương và nước từ trong các mỏ từ núi đá chảy ra tạo thành các dòng suối nên không ổn định, hạn hán về mùa khô và lũ lụt về mùa mưa.

 

Cai Kinh có điều kiện giao thông thuận tiện trên địa bàn xã có tuyến đường quốc lộ 1A chay qua trung tâm xã; ngoài ra còn có các con đương nhỏ nối từ quốc lộ 1A tới các thôn xóm và từ thôn này nối sang thôn khác, thuận tiện giao thông đi lại của nhân dân. Hệ thống giao thông nông thôn, liên thôn, liên xã không ngừng được nâng cấp; các đường được mở rộng phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh, tạo điều kiện cho việc thông thương, giao lưu hàng hóa với các xã, huyện trong tỉnh và cả nước. Giao thông thuận tiện là tiền đề cho Cai Kinh phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Công tác quản lý nhà nước về văn hoá được quan tâm thực hiện theo quy định, chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời tích cực đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đông đảo nhân dân hưởng ứng thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực, có 1.095 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” bằng 94,15%, (năm 2019)vượt chỉ tiêu đại hội đề ra; 100% số thôn đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; cơ quan đạt danh hiệu Cơ quan văn hóa. Công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh. Các hoạt động thể thao quần chúng được chú trọng với nhiều thể loại như: cầu lông, bóng đá, bóng chuyền hơi và các trò chơi dân gian. Hiện nay 100% các thôn đã có Nhà văn hóa đạt chuẩn Nông thôn mới. Hoạt động phát thanh, truyền hình được thực hiện tốt, đến nay hệ thống loa phát thanh đã lắp đặt phát sóng ở tất cả các thôn trên địa bàn; 100% các hộ gia đình đều được phủ sóng phát thanh, truyền hình.

          Xã Cai Kinh được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát có trọng tâm, trọng điểm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, phòng ban chuyên môn của huyện và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Với tinh thần quyết tâm cao và sự đoàn kết đồng thuận trong toàn Đảng bộ cùng với nhân dân đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa Kinh tế tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nông lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, xã đã đạt chuẩn NTM vào năm 2019, thương mại, dịch vụ phát triển tốt, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được duy trì ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thu ngân sách hành năm đều vượt kế hoạch đề ra. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được ổn định và từng bước cải thiện. Quốc phòng – an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

          Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ xã đến các chi bộ trực thuộc được quan tâm củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, từng bước đổi mới hình thức tập hợp, vận động quần chúng, tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

 

About